Khắp một dải miền Trung, khi nhắc đến món ngon xứ Nghệ không thể không nhắc tới món nhút Thanh Chương. Món ăn dân dã này đã trở thành “thương hiệu” mà bất kì vị khách nào tới xứ “nhút mặn, cà chua” cũng nhớ, cũng vấn vương về mảnh đất và con người nơi đây…
Về với xứ Nghệ không chỉ có phong cảnh non nước hữu tình mà còn có rất nhiều món ăn dân dã đậm đà bản sắc của vùng quê nghèo khó. Món nhút là một trong vô vàn những món ăn như thế. Nhút là cách gọi quen thuộc của người miền Trung, là quả mít muối mặn ăn với cơm tựa như món dưa muối của người miền Bắc hay món kim chi của xứ Hàn vậy.
Người miền Trung vẫn kể rằng, quê hương gió Lào cát trắng lam lũ quanh năm, cơm gạo cái gì cũng thiếu nên phải tận dụng tất cả những thứ có thể ăn được thay cơm. Mà mít thì nhà nào cũng sẵn trồng, mít thường được luộc chấm với chẻo (một thức chấm cũng rất đặc biệt của người Nghệ An), mà mít ngày càng nhiều không ăn hết nên đã nghĩ cách muối mặn để ăn dần, từ đó món nhút “chào đời” gắn với quê hương khốn khó.
Dọc miền Trung có nhiều nơi làm nhút nhưng ngon nhất, nổi tiếng nhất vẫn là nhút do người Thanh Chương làm ra tại đất Thanh Chương, bởi nơi đây nổi tiếng trồng được giống mít ngon của tỉnh Nghệ An. Thường thì mỗi năm chỉ có một mùa mít, nên nhút được muối dùng để ăn quanh năm, tùy từng mùa mà chế biến những món ăn khác nhau.
Vào mùa đông gió rét, nhút xào thịt ba chỉ nêm ớt, đường ăn với cơm nóng rất ngon, vị chua chua của nhút, ngọt của đường, cay cay của ớt, sợi nhút sánh lên quyện lấy mỡ của thịt ăn rất ngậy và giòn. Vào mùa hè, nhút có thể làm nộm tai heo nhấm rượu hay đem nấu canh cá chua, canh lạc ăn bùi bùi chua chua rất lạ miệng lại có tác dụng thanh nhiệt rất tốt cho cơ thể. Hay chỉ đơn giản, nhút chấm nước mắm tỏi, rau kinh giới ăn cơm canh cũng ngon không kém.
Cách muối nhút cũng dân dã hệt như tên gọi của nó. Có thể làm nhút muối xổi ăn ngay trong hai ba ngày, hay muối mặn để dành ăn quanh năm. Nhút có hai loại, nhút làm từ mít xanh hay xơ mít chín đều tuyệt, tuy nhiên nhút làm từ mít xanh thì cầu kì trong cách chế biến hơn. Nếu là mít xanh phải chọn quả ương ương, trẩy trái mít từ trên cây xuống còn tươi nguyên, gọt sạch vỏ gai bên ngoài, khi gọt nên để xả dưới vòi nước để tránh nhựa mít dính vào tay rất khó rửa. Gọt xong thì dùng dao băm hoặc thái thành sợi từ ngoài vào trong, sao cho toàn bộ múi, xơ, hạt mít đều được xắt nhỏ. Sau khi thái xong, đem ngâm vào nước gạo qua một đêm cho mít hết nhựa, sợi mít được trắng, rồi vớt ra phơi săn dưới nắng. Tiếp theo, cho tất cả vào vại sành rồi trộn muối, vò cho mít mềm ra và muối ngấm đều sợi mít.
Còn với xơ mít chín thì đơn giản hơn, chính là tận dụng phần xơ của quả mít chín sau khi ăn hết phần múi, nhặt xơ rửa sạch. Tương tự như mít xanh, xơ mít cũng được trộn muối và vò cho ngấm đều vào mít. Khi cho mít vào vại, có thể cho thêm ớt, mía, lá gừng hay củ sả, rau ngải và nước ngập mít, tùy theo khẩu vị của từng gia đình mà nêm các gia vị cho nhút đậm đà hơn. Nhưng đặc biệt, nhút phải nén chặt bằng phên tre, chặn gạch, sao cho nhút không nổi lên mặt nước và bị thâm đen. Chỉ vài ngày trở ra là ăn được.
Nhút ăn giòn giòn, mặn của muối, cay xè của ớt, và dậy mùi thơm của mít, thanh ngọt của mía đường…”quyện” một vị ngon rất đặc biệt. Ngày nay, trong mỗi bữa cơm của người miền Trung không thể thiếu món ăn dân dã, bình dị này. Tuy nhiên, ở những thành phố lớn, nhút lại có tên trong menu ẩm thực đặc sản mà khiến nhiều người muốn ăn, ăn một lần nhớ mãi, cứ “thòm thèm” cái vị cay chua mặn ngọt, hệt như dư vị của mảnh đất ân tình xứ Nghệ